Công nghiệp

'Công nghiệp phụ trợ Việt Nam có nhiều tiềm năng'

Đăng: 25/06/2015
Nguồn lao động dồi dào cộng với tinh thần ham học hỏi, chịu khó làm việc... là những lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc điều hành Reed Tradex, đơn vị tổ chức các chuỗi sự kiện về công nghiệp phụ trợ ở khu vực Đông Nam Á chia sẻ với VnExpress.net về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam?

- Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có xuất phát điểm khá thấp nhưng còn nhiều tiềm năng trong tương lai, bởi nơi đây có dân số đông, lực lượng lao động trẻ, người lao động chịu khó làm việc... Đó là những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia láng giềng như Indonesia, Thái Lan, Malaysia bởi họ cũng có các lợi thế tương tự. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng cũng như thông thoáng hơn về các chính sách để hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Tôi lấy ví dụ, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan có 2 ngành hàng chiến lược là dòng xe bán tải và sinh học. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất có ý định chuyển dòng xe sinh học đặt tại Thái Lan sang quốc gia khác để sản xuất. Ngay lập tức, chính phủ Thái đưa ra quy định mới nhằm hỗ trợ, thúc đẩy dòng xe sinh học phát triển. Như vậy, chúng ta không chỉ đưa ra sản phẩm chiến lược mà cần phải có quyết tâm để thực hiện.

Thailand-O-1372125494_500x0.jpg
Ông Chainarong Limpkittisin. Ảnh: Phương Nga

 

- Vậy theo ông, phân khúc nào trong ngành công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam?

- Khi tiếp xúc với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hay các đối tác nước ngoài thì họ cho rằng công nghiệp phụ trợ trong ngành lắp ráp và sản xuất xe máy ở Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy vậy, tỷ lệ nội địa hóa ngành này vẫn chưa cao và cần tập trung vào việc chuyển giao công nghệ.

- Làm thế nào để ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể cọ xát với công nghệ thế giới cũng như thu hút được giới đầu tư nước ngoài?

- Đây là thời điểm rất tốt để các doanh nghiệp Việt tiếp cận với khách hàng Nhật. Thời gian qua, Nhật gặp phải sóng thần, động đất, những vấn đề liên quan đến tiền tệ cũng như tình hình quan hệ Nhật – Trung căng thẳng nên quốc gia này có xu hướng đẩy mạnh và chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, việc tham gia các sự kiện, triển lãm là cơ hội để các nhà sản xuất phụ trợ Việt Nam có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Tôi được biết Toyota Việt Nam điều chỉnh dây chuyền sản xuất và giờ chỉ sản xuất một dòng xe Vios tại Việt Nam, những dòng xe khác họ đã chuyển sang quốc gia khác. Tôi không rõ các nhà sản xuất khác có kế hoạch giống Toyota hay không nhưng điều này cho thấy Việt Nam nên có chính sách để khuyến khích hoặc giữ dòng sản phẩm chiến lược để giữ chân các nhà đầu tư. Nếu không, ngành lắp rắp ô tô sẽ gặp khó khăn.

 

Tin liên quan